Người tiêu dùng thường lựa chọn và đánh giá thông qua hình thức của sản phẩm để quyết định việc có nên mua hay không vì vậy vỏ quả là tiêu chí được nhận xét đầu tiên.
Tuy nhiên ở quả bơ thì có một loại bệnh gây hại phần vỏ quả làm giảm đi vẻ đẹp hình thức của quả từ đó làm giảm giá thành sản phẩm đó là bệnh ghẻ vỏ quả bơ.
Vậy thì loại bệnh hại này có nguyên nhân, tác hại, triệu chứng và cách điều trị như thế nào thì mời bà con nông dân cùng theo dõi bài viết dưới đây của Viện Eakmat chúng tôi nhé!
Nội dung bài viết
Nguyên nhân, tác hại của bệnh ghẻ vỏ quả bơ
– Bệnh ghẻ vo quả bơ do nấm Sphaceloma perseae gây ra.
– Bệnh tấn công ở tất cả các bộ phận của cây nhưng nhiều nhất là ở quả bơ.
– Cây bơ mắc bệnh thường sẽ bị rụng quả làm giảm năng suất, quả bơ thường sẽ bị biến dạng và trở nên xấu xí làm giảm giá thành cũng như chất lượng của quả bơ trong mắt người tiêu dùng.
Dấu hiệu nhận biết bệnh ghẻ vỏ quả bơ
– Nấm thường phát sinh ở những vùng nhiệt đới ẩm hoặc vùng á nhiệt đới, nấm bệnh xuất hiện ở những vũng nước đọng sau thời kì mưa nhiều và thường sẽ tấn công vào các phần mô non của cây.
– Bệnh lây lan qua đường mưa, gió hoặc côn trùng và khi cây có vết thương hở (côn trùng chích, nông cụ gây ra…) sẽ tạo điều kiện cho nấm phát sinh.
– Khi bệnh gây hại ở vỏ quả:
+ Vỏ quả xuất hiện những vết bệnh hình bầu dục có màu nâu hoặc nâu tím.
+ Vết bệnh hơi lồi ra so với phần vỏ quả.
+ Sau một thời gian những vết bệnh sẽ liên kết với nhau khiến trái bị thâm đen trên diện rộng.
+ Quả bị bệnh nặng sẽ bị nứt ở giữa và xuất hiện mạng, vỏ quả trở nên sần sùi thô ráp.
+ Bệnh xuất hiện nhiều ở những quả già.
+ Phần chất lượng của quả bị bệnh vẫn giữ được hương vị nhưng phần thẩm mỹ bị giảm sút nghiêm trọng.
– Khi bệnh gây hại ở lá: + Bệnh thường xuất hiện ở những phần tán cây cao.
+ Ban đầu chúng sẽ tấn công ở những phần đầu ngọn, vết bệnh có màu đỏ nhỏ sau đó sẽ lan rộng ra toàn bộ bề mặt lá.
+ Mặt trên của lá thường sẽ bị hoại tử nhiều hơn so với mặt dưới, sau một thời gian lá bệnh nặng sẽ bị biến dạng, héo rũ và rụng hàng loạt đồng thời sẽ lây lan sang các cành khác của cây.
Biện pháp điều trị bệnh ghẻ vỏ quả bơ
– Vườn trồng bơ cần phải thông thoáng bằng cách cắt tỉa, đào rãnh thoát nước để tránh trường hợp vườn có độ ẩm cao, ứ đọng nước tạo môi trường cho nấm bệnh phát triển.
– Lựa chọn những giống bơ có sức đề kháng đối với các loại bệnh gây hại đồng thời có khả năng sinh trưởng, phát triển mạnh.
– Thường xuyên quan sát và thăm vườn bơ để phát hiện, ngăn chặn và loại bỏ kịp thời tránh để bệnh ghẻ vỏ quả bơ có điều kiện phát sinh trên diện rộng.
– Loại bỏ các loại sâu gây hại trực tiếp lên vỏ quả qua đường chích hút như bọ trĩ bằng các biện pháp sinh học tránh để bọ trĩ phá hoại làm hỏng vỏ quả và trứng bọ trĩ kí sinh ở trái non tạo điều kiện cho bệnh phát triển. Bà con nông dân có thể ủ mùn xung quanh gốc cây bơ để bọ trĩ không thể bò lên thân cây gây hại.
– Trong trường hợp cây mắc bệnh nặng bà con có thể điều trị bằng biện pháp sử dụng các loại thuốc hóa học như Benomyl, Dicopper clorua trihydroxide, Hydroxit đồng hoặc Đồng Sunfat để phun trừ nấm.
Lưu ý: nên phun vào những thời điểm như lúc cây ra hoa hoặc gần cuối kì nở hoa. Phun theo đợt mỗi đợt cách nhau khoảng 3 đến 4 tuần để tăng khả năng đậu và bảo vệ quả.
Bà con nông dân có thể tham khảo và áp dụng vào thực tế vườn bơ của mình để loại trừ những bệnh hại trên cây bơ đồng thời nâng cao năng suất cũng như chất lượng quả bơ để mang lại nguồn lợi nhuận cao cho gia đình.
Chúc bà con có một vụ mùa bội thu.