Phương pháp kỹ thuật đào hố và trồng tiêu con đúng cách

Bài viết dưới đây của Viện Cây trồng chúng tôi sẽ giới thiệu đến bà con nông dân phương pháp kỹ thuật đào, xử lý hố và trồng tiêu con để bắt đầu một mùa vụ thuận lợi nhất. Mời bà con cùng theo dõi bài viết nhé!

ban giong tieu

Hình ảnh giống tiêu lươn (Tiêu Vĩnh Linh) tại trại ươm tiêu Viện Cây Trồng

Thời điểm trồng tiêu tốt nhất là vào đầu mùa mưa tức là khoảng tháng 5 đến tháng 6 dương lịch. Trong quá trình trồng tiêu con bà con nông dân cần chú ý quan sát để kịp thời phát hiện cây chết hoặc bệnh để có phương án xử lý kịp thời.

Nếu cây chết thì cần trồng dặm ngay và nên dừng việc trồng dặm khoảng 1,5 – 2 tháng trước khi hết mùa mưa.

Sau khi chọn được thời điểm thích hợp để trồng tiêu thì bà con chuẩn bị trụ trồng tiêu. Đối với trụ tiêu thì thường có 3 loại đó là: trụ tiêu chết, trụ tiêu sống, trụ tạm.

Tùy theo điều kiện thực tế mà bà con lựa chọn một trong 3 loại trụ trên để tiến hành trồng tiêu con. Cụ thể như sau:

– Trụ tiêu chết (trụ gỗ, gạch hoặc bê tông): dựng trụ trước khi trồng khoảng 1,5 tháng để nước mưa rửa sạch đất cát, vôi hồ bám trên trụ. Đối với trụ gỗ bà con lưu ý xịt thuốc chống nấm và mọt cho trụ.

– Trụ sống: trồng trước từ 1 đến 2 năm cho đến khi thân cây đạt kích cỡ thích hợp (4-5cm) thì bắt đầu cho tiêu leo.

– Trụ tạm: tiến hành trồng trụ tiêu sống trước khoảng 2-3 tháng để cây phát triển, sau đó chôn trụ tạm được 15 ngày thì trồng tiêu con. Giữa trụ tạm và trụ sống cách nhau tầm 15 đến 20cm.

Trụ tạm có thể sử dụng trụ bê tông hoặc trụ gỗ, vật liệu tốt để đảm bảo độ bền của trụ tạm trước khi chuyển tiêu sang trụ chính.

Bước tiếp theo, bà con tiến hành đào hố để chôn trụ tiêu như sau:

– Đối với trụ gạch: đào hố xung quanh trụ mỗi hố có kích thước 40x40x40cm, số lượng khoảng 6-8 hố.

– Đối với trụ tiêu chết (bê tông, gỗ) hoặc trụ sống : Mỗi trụ đào 1 hố lớn 60x60x60cm ở một bên trụ hoặc 2 hố 40x40x40cm ở hai bên.

– Đối với trụ tạm: 1 hố 60x60x60cm hoặc 2 hố 40x40x40cm, mép hố cách trụ 15 đến 20cm.

Sau khi đào hố xong bà con tiến hành bón lót cho mỗi hố theo công thức như sau:

  • 15-20kg phân chuồng hoại mục
  • 0,3-0,5kg phân lân
  • 0,3kg vôi bột,
  • Trộn đều với đất rồi lấp đầy hố.
giong cay tieu
Chọn giống tiêu tốt không bệnh cũng là một trong những yếu tố quyết định mùa vụ thành công hay thất bại

Xử lý hố bằng các loại thuốc như: Marshal 5G (20-30g/hố); Confidor 100SL 0,1% (0,5 lít/hố), Basudin 10H (20-30g/hố).

Hố phải được chuẩn bị ít nhất 15 ngày trước khi trồng.

Đối với hố có kích thước 40x40x40cm thì bà con trồng 1 bầu tiêu hoặc 1 hom tiêu.

Đối với hố có kích thước 60x60x60cm thì bà con trồng 2 bầu tiêu hoặc 2 hom tiêu.

Khi trồng thì ngọn tiêu hướng về phía trụ để tiêu con leo bám trên trụ theo phương thẳng.

Tiếp theo bà con tiến hành trồng tiêu con theo phương pháp kỹ thuật như sau:

Trồng bằng hom tiêu:

+ Đặt hom tiêu nghiêng về phía trụ một góc 45 độ.

+ Hom có 5 đến 6 đốt thì chôn 3 đốt vào đất còn lại 2-3 đốt trên mặt đất, dùng chân dậm chặt đất xung quanh bầu, không nên nén chặt đất quá nhé!

+ Sau khi trồng, bà con phủ gốc bằng rơm rạ, trấu, cỏ khô hoặc mùn cưa.

Trồng bằng bầu tiêu

+ Nhẹ nhàng xé lớp nilon, tránh làm vỡ bầu, đặt bầu vào hố hơi nghiêng, hướng phần chồi tiêu vào trụ.

+ Mặt bầu ngang với mặt đất, không đặt bầu thấp hơn mặt đất.

+ Dùng tay nén chặt đất xung quanh bầu.

Trồng xong bà con tiến hành tưới nước cho cây tiêu con đặc biệt là những ngày trời không có mưa thì cần tưới bổ sung ngay, đối với tiêu trồng bằng hom thì 2,3 ngày tưới 1 lần, đối với tiêu trồng bằng bầu thì 7,8 ngày tưới 1 lần.

Lượng nước vừa phải vì trồng vào mùa mưa nên không cần tưới nhiều.

Nếu mưa nhiều thì cần có phương án thoát nước tốt cho vườn tiêu tránh để tình trạng ngập úng dễ phát sinh nấm bệnh hoặc cây tiêu con bị chết úng.

Những lưu ý trong quá trình đào hố trồng tiêu

– Bà con cần có phương án che nắng và che gió cho cây tiêu con để đảm bảo tiêu đủ điều kiện sinh trưởng đồng thời tỷ lệ tiêu sống cao, nếu trồng tiêu phương án trụ tiêu sống thì không cần sử dụng dàn che vì tận dụng được tán của trụ sống.

– Có thể sử dụng lưới nilon hoặc lá dừa… để tạo thành dàn che cho vườn tiêu, sao cho 70-80% ánh sáng đi qua là được.

– Bổ sung phân cho cây tiêu con:

+ Vì đã bón lót phân khi xử lý hố nên giai đoạn đầu không cần thiết phải bón thêm phân hóa học mà chỉ bón thúc 1 lần trước khi mùa mưa kết thúc.

+ Bón thúc bằng phân NPK tỷ lệ 2:2:1 có bổ sung vi lượng (TE) như 16-16-8 TE hay 10-10-20 TE.

+ Bắt đầu từ năm 2 trở đi bà con tiến hành bón phân đại trà để cây tiêu phát triển tốt hơn.

Với bài viết này, hy vọng bà con nông dân có thêm những thông tin hữu ích, tích lũy thêm những kinh nghiệm để việc trồng tiêu đạt năng suất và chất lượng cao hơn, tăng thu nhập cho hộ gia đình sau mỗi mùa vụ.

Chúc bà con nông dân một mùa vụ thành công!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *