Kỹ thuật đôn dây tiêu – phương pháp cắt tỉa, tạo tán, tạo hình cho cây tiêu

Bài viết sau đây của Viện cây trồng chúng tôi sẽ cung cấp đến bà con nông dân kỹ thuật đôn dây tiêu và một số phương pháp cắt tỉa, tạo tán, tạo hình cho cây tiêu được trồng bằng dây lươn hoặc dây ác. Việc áp dụng kỹ thuật và các phương pháp khoa học trong việc trồng và chăm sóc sẽ giúp cây tiêu có điều kiện phát triển mạnh khỏe, cho năng suất ổn định.

huong-dan-trong-tieu

Kỹ thuật đôn dây tiêu lươn

Sau khi đào hố trồng tiêu xong, từ mỗi hom tiêu sẽ mọc ra từ 1 đến 2 cành tược (hay còn gọi dây thân, dây tiêu ác). Cành tược leo đến đâu ta tiến hành dùng dây buộc vào trụ đến đó bởi vì khi rễ bám chắc vào trụ và hút chất dinh dưỡng thì từ cành tược mới mọc ra cành quả, nếu ta không buộc kịp thời, để cành tược bị ngả ra ngoài thì dây tiêu sẽ yếu và không sinh cành ác được.

Đối với dây buộc bà con nên sử dụng dây nilon mềm, không được dùng dây bện từ các loại vỏ cây hoặc dây chuối vì lâu ngày các loại dây đó sẽ phân hủy tạo nấm mốc nhiễm vào cây tiêu gây hại.

Nếu bà con dùng trụ sống thì sau khi buộc dây bà con phải thường xuyên kiểm tra để lúc rễ tiêu đã bám chắc vào trụ thì ta cần cắt bỏ dây buộc, nhằm tránh trường hợp dây tiêu bị bó quá chặt vào trụ (do trụ sống lớn nhanh sẽ tăng đường kính thân trụ) sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của dây tiêu.

Kỹ thuật cắt tỉa tạo hình, tạo tán cho cây tiêu

Tạo hình cho tiêu trồng bằng dây ác

Sau khi trồng, mỗi hom tiêu hoặc bầu ươm tiêu sẽ mọc ra 1 đến 2 dây thân; như vậy với trụ trồng 2 bầu tiêu, trên trụ sẽ phát sinh từ 2 đến 5 dây thân. Khi tiêu được 12 – 14 tháng bà con tiến hành cắt ngang để tiêu mọc dây lên thân mới.

Dưới đây là một số trường hợp bà con cần lưu ý:

Trường hợp 1: Tận dụng phần cắt bỏ làm hom tiêu nhân giống

Khi bà con muốn tận dụng phần cắt bỏ làm hom tiêu nhân giống thì vị trí cắt phải cách gốc từ 25 đến 30cm, phần cắt bỏ nên cắt thành các hom tiêu 5 mắt để tận dụng cho việc nhân giống.

Thời điểm cắt tiêu bà con nên chọn những ngày khô ráo không nên cắt vào những ngày mưa dầm, môi trường ẩm ướt sẽ tạo điều kiện cho các loại bệnh nấm hại phát sinh từ những vết cắt. Một số dây tiêu có dấu hiệu nhiễm virus biểu hiện như xoăn lá, rút ngọn thì bà con nên nhổ bỏ tận gốc để hạn chế tối đa việc lây lan sang các cây khỏe mạnh trong vườn tiêu..

Tiêu trồng bằng dây ác sau khi cắt thân tạo hình

Các đốt dưới vết cắt sẽ sinh ra các dây thân mới bà con kiểm tra và giữ lại các dây thân khỏe mạnh bám đều quanh trụ để làm bộ khung chính cho trụ tiêu. Các dây thân yếu hoặc khỏe nhưng mọc không đều (bám sát nhau quá) thì bà con nên cắt bỏ. Số lượng dây thân để giữ lại thì tùy theo các loại trụ tiêu cụ thể như sau:

+ Từ 5 đến 7 dây thân/trụ đối với tiêu trồng trụ bê tông.

+ Từ 30 đến 40 dây thân/trụ đối với tiêu trồng trụ xây gạch.

+ Từ 6 đến 8 dây thân/trụ đối với tiêu trồng trụ sống.

Khi tiêu leo hết chiều cao của trụ chết hoặc đạt chiều cao 5m đối với trụ sống bà con tiến hành hãm ngọn và cắt tỉa thời gian định kỳ.

Trường hợp 2: Không có nhu cầu lấy hom tiêu nhân giống

Đối với trường hợp này, bà con khi cắt nên dựa vào số cành quả trên dây tiêu. Ở độ cao từ 0,8 đến 1m, mỗi dây thân lúc này sẽ mang từ 5 đến 6 cành quả, bà con sẽ cắt bỏ phần ngọn mang từ 1 đến 2 cành quả. Còn số lượng dây thân trên mỗi loại trụ tương tự như bên trên. Nếu sau khi cắt các dây thân mới vẫn chưa đủ số lượng như trên thì bà con tiến hành cắt lần thứ 2. Khi cắt bà con giữ lại trên mỗi dây thân mới (dây thân mọc sau khi cắt lần 1) từ 3 đến 5 cành quả.

Lưu ý: Nếu bà con trồng tiêu bằng trụ tạm thì trong năm đầu bà con buộc toàn bộ các dây thân vào trụ tạm và cũng cắt ngang tương tự  như 2 trường hợp trên, tiếp tục cho các dây thân mới bám vào trụ tạm. Khi trụ sống đủ đường kính thân từ 3 đến 4cm, bà con chuyển từ 1 đến 2 dây thân qua trụ sống cho đến khi cây trụ sống được 2 năm tuổi thì bà con mới chuyển toàn bộ dây thân qua trụ sống.

ky-thuat-trong-tieu

Tạo hình cho tiêu trồng bằng dây lươn

Kỹ thuật tạo hình cho tiêu trồng bằng dây lươn có phần khác biệt đó là  ta không cắt ngang dây tiêu mà sử dụng kỹ thuật đôn dây tiêu lươn. Chi tiết như sau:

Kỹ thuật đôn tiêu lươn đúng cách:

Từ bầu tiêu lươn (hoặc hom tiêu lươn trồng trực tiếp) bà con giữ lại từ 4 đến 6 dây khỏe mạnh sau đó buộc vào trụ bằng dây nylon mềm. Cách buộc dây tiêu cũng tương tự như đã trình bày ở phần đầu. Đối với tiêu trồng bằng dây lươn sẽ không cho cành quả ngay mà đợi đến khi rễ bám chắc vào trụ mới cho ra cành quả.

Sau 12 đến 14 tháng, dây tiêu leo cao khoảng 1,4 đến 1,5m và có 2 đến 3 cành quả ở phần ngọn thì lúc này bà con tiến hành đôn dây tiêu. Kỹ thuật này nên tiến hành trong mùa mưa vào những ngày khô ráo.

Lưu ý: Chỉ những dây đã ra cành quả thì bà con mới tiến hành đôn dây còn những dây không có cành quả, bà con tiến hành cắt bỏ luôn.

+ Thực hiện kỹ thuật đôn dây bằng cách nhẹ nhàng gỡ dây tiêu ra khỏi trụ, hạn chế tối đa làm xây xát, gẫy giật dây tiêu.

+ Tiến hành cắt bỏ lá ở phần gốc dưới vị trí sinh cành quả, công đoạn cắt lá nên thực hiện trước khi đôn tiêu (phần được chôn xuống đất).

+ Đào rãnh sâu khoảng 15 – 20cm xung quanh trụ tiêu, cách gốc tiêu 20 – 25cm (đào thành hình vòng tròn)

+ Đặt dây tiêu đã vặt bỏ lá vào rãnh, phần ngọn có cành quả thì buộc vào trụ, khi buộc nên lỏng tay đừng chặt quá.

+ Lấp rãnh bằng lớp đất mỏng, không nên lấp dày quá và tuyệt đối không được bón phân chuồng vào rãnh trong giai đoạn này.

+ Sau đó bà con quan sát thấy rễ non nhú ra từ các đốt đã chôn xuống rãnh (do chôn bằng đất mỏng nên ta có thể nhìn thấy bằng mắt thường được) thì bà con tiến hành vun gốc và bón phân cho cây tiêu.

+ Việc đôn dây tiêu sẽ giúp bộ rễ của cây tiêu phát triển mạnh và lan tỏa đồng thời kích thích các nhánh ác và dây thân mới.

Cắt tỉa tạo tán, tạo hình cho tiêu vào giai đoạn kinh doanh:

+ Tỉa bỏ các cành quả dây ác và dây lươn mọc dưới gốc tiêu.

+ Phần cành quả của tán tiêu phải cách mặt đất từ 10 đến 15cm.

+ Các dây lươn nếu không có nhu cầu nhân giống thì cắt bỏ.

+ Trường hợp muốn giữ lại dây lươn để ươm cây tiêu giống thì phải buộc dây lươn vào một trụ tạm nằm ngoài tán tiêu. Trụ tạm này không cần quá cao, độ cao chỉ đủ để dây lươn leo bám đến khi đạt độ bánh tẻ là được.

+ Một số cành quả yếu, cành tăm nhang (không có lá, hoặc ít lá) thì ta cắt bỏ.

+ Tiến hành tỉa bỏ các dây thân mọc ngoài tán tiêu, dây thân vươn quá cao ở đỉnh trụ tiêu. Mỗi năm nên tiến hành cắt tỉa từ 2 đến 3 lần.

+ Thời điểm thuận lợi để cắt tỉa bà con nên chọn ngày khô ráo nhằm hạn chế tối đa việc nấm bệnh, virus lợi dụng cơ hội xâm nhập thông qua vết cắt trên dây tiêu.

Rong tỉa cành cho cây trụ sống:

Bên cạnh việc cắt tỉa cành tạo tán cho dây tiêu, nếu bà con trồng bằng trụ sống cũng phải chú ý đến việc rong tỉa cành cho cây trụ sống như sau:

+ Ở phần thân nơi tiêu đeo bám, nên chặt bỏ các cành ngang để làm thông thoáng vườn tiêu, cung cấp đủ ánh sáng.

+ Khi trụ tiêu sống đạt độ cao nhất định theo ý muốn bà con tiến hành hãm ngọn. Khi hãm ngọn, nếu gặp trời mưa bà con nên lấy túi nilon trùm phần thân bị cắt tránh để bị nhiễm nước mưa vì cây rất dễ bị thối thân và chết. (Trường hợp này rất hay xảy ra đối với các trụ tiêu dùng cây muồng đen)

+ Mỗi năm bà con nên thực hiện rong tỉa cành cho trụ sống 2 lần. Một lần vào đầu mùa mưa lúc này bà con tiến hành rong tỉa mạnh còn lần thứ 2 là vào cuối mùa mưa lúc này nên rong tỉa nhẹ hơn, tránh làm cho cây yếu quá sẽ dễ chết khi đến mùa khô hạn.

huong-dan-trong-ho-tieu

Trên đây là một số thông tin về kỹ thuật và phương pháp trồng tiêu để bà con có thể áp dụng vào việc trồng thực tế để mang lại nguồn hiệu quả kinh tế cao.

Hiện nay Viện Eakmat đang cung cấp những giống tiêu chất lượng:

Liên hệ với số điện thoại: 0914599143

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *