Kỹ thuật bón phân và theo dõi dinh dưỡng cho cây cà phê

Việc theo dõi lượng chất dinh dưỡng và kỹ thuật bón phân đúng cách cho cây cà phê sẽ góp phần tiết kiệm chi phí phân bón, nâng cao năng suất, giúp cây phát triển lâu dài, bền vững. Là một trong những bước rất quan trọng để tiến đến vạch đích thu hoạch thành công và hiệu quả.

huong dan bon phan cho ca phe

Bài viết sau đây của chúng tôi sẽ cung cấp đến bà con nông dân một số kinh nghiệm mà Viện cây trồng đã sưu tầm và tổng hợp lại, hy vọng sẽ giúp bà con có thêm những thông tin hữu ích nhất và thuận tiện hơn trong việc chăm sóc, phát triển giống cây kinh tế này.

Điều kiện đất trồng cây cà phê

Cây cà phê không có yêu cầu khắt khe về đất trồng như một số giống cây khác, miễn là đất có khả năng thoát nước tốt, tơi xốp, giàu chất dinh dưỡng, có độ pH trồng từ 4,5 – 5,0, tầng đất mặt đủ sâu từ 80cm trở lên.

Theo thông số nghiên cứu về cây cà phê thì vùng đất Tây Nguyên là vùng đất phù hợp nhất để trồng. Ngoài ra có thể trồng cây cà phê trên đất xám, đất thịt pha.

Sau đây là một số thông tin mà chúng tôi đã nghiên cứu và tuyển chọn:

Đắk Lắk, Gia Lai: thích hợp trồng các giống cà phê TR4, cà phê TR9, cà phê TSR1…

Đắk Nông, Lâm Đồng: thích hợp trồng giống cà phê lùn, cà phê Hữu Thiên, cà phê lá xoài…

Yêu cầu dinh dưỡng của cây cà phê

Cây cà phê cần rất nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là Kali và đạm. Để tạo ra 1 tấn nhân (đối với giống cà phê vối), cây cà phê cần nguồn dinh dưỡng là 34,2 kg đạm (N) + 6,1 kg P2O5 + 46,9 kg Kali (K2O) + 4,1kg Magiê (MgO) + 4,3kg Canxi (CaO) và các trung vi lượng khác như Bo, sắt (Fe), Mn, kẽm (Zn)…

Biểu hiện cây cà phê thiếu chất dinh dưỡng

* Thiếu đạm: – Lá cà phê vàng, ban đầu các đốm vàng ở giữa lá sau đó lan dần ra toàn bộ lá, lá già vàng trước sau đó đến các lá non. Vì lá vàng nên bà con hay nhầm lẫn với tình trạng rụng lá già bình thường ở cây cà phê.

Cây cằn cỗi, cành ngắn, hạn chế sự phát triển của chồi non.

Trái nhỏ dẫn đến năng suất cà phê không đạt.

* Thiếu Kali: – Lá già của cây cà phê bắt đầu vàng dần từ rìa mép lá sau đó lan dần vào vùng giữa lá, từ chóp lá lan ngược lên cuống lá và gân lá cũng vàng theo. Sau đó lá khô dần và rụng hàng loạt và nhiều đặc biệt vào giai đoạn cuối mùa mưa khi cây đang nuôi quả.

Trái nhỏ, nhân nhỏ, quả lép nhiều, rụng nhiều dẫn đến năng suất cà phê giảm sút.

* Thiếu lân: – Lá cà phê già xuất hiện những mảng đỏ rồi chuyển dần thành tím, lan rộng ra toàn bộ lá.

Chồi phát triển kém, hoa ít, đậu trái ít.

* Thiếu canxi: – Lá cà phê chuyển sang màu vàng trắng, lá mỏng, giòn dễ rách, chop lá cong không đều vào phía trong.

Thân cành dễ gãy đổ, quả nứt nhiều, năng suất giảm.

Thiếu Ca thường gặp ở các vườn cà phê ít bón vôi, vùng đất dốc, đất bị nhiễm phèn chua.

* Thiếu Magiê: – Lá xuất hiện các đốm vàng, sau đó lan rộng ra toàn bộ bề mặt lá nhưng gân lá vẫn có màu xanh khác với biểu hiện của cây cà phê thiếu Kali (lá vàng – gân lá vàng).

Cây phát triển kém, đậu trái ít.

Thường xảy ra vào cuối mùa mưa, ở các vùng đất chua, chứa nhiều bô xít, đất thịt mỏng.

* Thiếu lưu huỳnh: – Lá non trên ngọn chuyển vàng, lá mỏng.

Hiện tượng này thường xảy ra ở những vườn cà phê kiến thiết cơ bản.

* Thiếu kẽm: – Cây phát triển chậm có hình dạng như bụi hồng, lá vẫn già bình thường, chồi và đỉnh chậm lớn.

Lá non vàng nhưng gân lá còn xanh, chùm lá non ngắn, xù và không nở lớn được.

Cành dự trữ không phát triển, cây còi cọc.

Thiếu kẽm dẫn đến năng suất và chất lượng cây cà phê đều thấp và cây khó phát triển sang mùa vụ tiếp do không có cành dự trữ.

* Thiếu Bo: – Chồi non bị teo dần dần và chết.

Lá đọt rất nhỏ và có hiện tượng khô dần từ mép.

Cành không phát triển, lá rụng nhiều dẫn đến tình trạng cây trơ trụi.

Khả năng đậu trái thấp, quả non rụng nhiều làm cho năng suất và chất lượng giảm sút.

* Thiếu Mangan: – Lá non vàng trắng nhưng đường gân lá mờ xanh, kích thước lá không quá nhỏ, khá giống với tình trạng thiếu kẽm.

– Cây phát triển kém; năng suất, chất lượng cà phê thấp.

Kỹ thuật bón phân cho cây cà phê

Bón phân cho cây cà phê kiến thiết cơ bản giai đoạn từ 1-3 năm đầu:

– Bón lót trước khi trồng: 20 – 30kg phân hữu cơ + 0,5 – 1kg vôi + 50 – 100g NPK theo tỉ lệ 2:2:1 có S và TE như 16-16-8-13S hoặc 20-20-15-TE.

– Bón thúc sử dụng phân NPK tỉ lệ 2-2-1 có S và TE với liều lượng thay đổi từng năm như sau: + Năm 1: 400 – 600kg/ha (0,5kg/1 cây).

+ Năm 2: 600 – 800kg/ha (0,7kg/1 cây).

+ Năm 3: 800kg – 1 tấn/ha (0,9kg/1 cây) + 20 – 30kg phân hữu cơ bổ sung.

– Bón phân vô cơ (NPK) chia thành bón 3 đợt vào đầu, giữa và cuối mùa mưa, riêng phân hữu cơ bón vào thời điểm tháng 5 – 6 dương lịch.

* Cách bón: + Phân vô cơ kết hợp với vét bồn, mở bồn và rải đều phân quanh mép bồn, lấp nhẹ đất tránh phân thất thoát do bay hơi.

+ Phân hữu cơ: đào rãnh sâu 20 – 30cm sát mép bồn, rải phân và lấp đất lại.

Bón phân cho cây cà phê giai đoạn đậu quả kinh doanh

Giai đoạn này, cây cà phê cần nhiều đạm (N) và kali (K) hơn lân đồng thời cây cũng cần nhiều trung và vi lượng để cây phát triển, tăng khả năng đậu quả.

– Phân hữu cơ giúp đất tơi xốp, rễ cây khỏe, tăng khả năng chống nấm bệnh trên cây. Khi cây đã giao tán, có thể bón 2 năm 1 lần, mỗi lần khoảng 30 – 50kg/ 1 cây bằng cách đào rãnh đối xứng sát mép bồn, hoặc đánh rãnh giữa hàng, bón phân và lấp đất hoặc lá khô lại.

– Đối phân vô cơ thường dùng là phân NPK tổng hợp hoặc phân trộn có thể chia thành 5 lần bón trong năm với liều lượng, tỉ lệ như sau:

+ Đợt 1 (bón vào thời điểm đầu mùa mưa, khi mưa đã đều): 500-700kg phân NPK 16-8-16-13S-TE Đầu trâu hoặc phân Đầu trâu cà phê (20-10-20+TE) cho mỗi hecta cà phê.

+ Đợt 2 (bón vào thời điểm giữa mùa mưa): 700-800kg phân NPK 16-8-16-13S-TE Đầu trâu hoặc phân Đầu trâu cà phê (25-10-20+TE) cho mỗi hecta cây cà phê.

+ Đợt 3 (bón vào thời điểm gần cuối mùa mưa, trước khi hết mưa ít nhất là 20 ngày): 800-1000kg phân NPK 16-8-16-13S-TE Đầu trâu hoặc phân Đầu trâu cà phê (25-10-20+TE) cho mỗi hecta cây cà phê.

+ Đợt 4 (bón vào thời điểm đầu mùa khô khi tưới đợt 1 hoặc 2): 200-300kg Đầu trâu mùa khô (NPK 20-5-6+TE) chuyên dùng cho cây cà phê kết hợp với đợt tưới nước.

+ Đợt 5 (bón vào thời điểm gần cuối mùa khô khi tưới đợt 3 hoặc 4): 200-300kg Đầu trâu mùa khô (NPK 20-5-6+TE) chuyên dùng cho cây cà phê kết hợp với đợt tưới nước.

Sau khi thực hiện theo quy trình trên mà năng suất vườn cà phê cao hơn mức 4 tấn nhân/ha thì bà con nông dân cần bón tăng thêm 150-200kg/ha ở mỗi đợt bón như trên nhé!

cach bon phan cho ca phe

Với bài viết này, hy vọng bà con sẽ có được một kết quả tốt nhất, chất lượng cao nhất và tăng thêm thu nhập kinh tế cho hộ gia đình.

Xem thêm bài viết: Chăm sóc cà phê

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *