Việc trồng và chăm sóc cây bơ rất quan trọng để có được một vườn bơ mang lại nguồn lợi nhuận kinh tế cao và ổn định, vì vậy bài viết dưới đây của Viện cây trồng chúng tôi sẽ cung cấp đến cho bà con nông dân những kiến thức cơ bản nhất trước khi tiến hành trồng và chăm sóc cây bơ.
Nội dung bài viết
Đôi nét về cây bơ
Cây bơ có nguồn gốc ở vùng Trung Mỹ – Mêxico, được người Pháp mang đến và trồng nhiều ở nước ta vào những năm 1940, hiện nay cây bơ được trồng ở nhiều tỉnh thành trong cả nước ta chủ yếu tập trung ở các tỉnh như Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đắk Lắk, Phú Thọ.
Cây bơ là một loại cây dễ trồng, có khả năng thích nghi rộng, chống chịu khá với điều kiện khí hậu, môi trường sống như hạn hán, gió, đất nghèo dinh dưỡng. Hơn nữa, vỏ quả bơ khá dày nên các loài sâu và côn trùng chích hút nhựa quả khó gây bệnh hại cây được và cũng vì vậy nên lượng thuốc bảo vệ thực vật dùng ở cây bơ rất ít.
Ngoài ra bơ là một trong những loại cây ăn quả có giá trị chất dinh dưỡng cao nhất, rất giàu năng lượng (trung bình 245 calo/100g thịt quả), hàm lượng chất béo cao (26,4g/100g), một lượng lớn vitamin các loại như vitamin A (0,17mg), vitamin B, vitamin E… và nhiều chất bổ dưỡng khác có lợi cho sức khỏe con người.
Với hàm lượng dầu rất cao chỉ sau trái oliu, hàm lượng dầu trong trái bơ có tác dụng làm giảm lượng cholesterol trong máu đồng thời vitamin E trong trái bơ còn có khả năng chống lại sự oxy hóa nhờ đó làm chậm quả trình lão hóa của các tế bào da giúp da căng mịn và tươi sáng. Vì những đặc tính như vậy nên một lượng lớn quả bơ được sử dụng để sản xuất các loại xà phòng và một số mỹ phẩm chất lượng.
Quả bơ có thể sử dụng trực tiếp làm các món ăn như ăn kèm sandwiches, các món ăn nhanh, sa-lát, dùng làm kem… Đây là một loại quả rất được ưa chuộng ở các nước châu Âu, châu Mỹ vì những giá trị dinh dưỡng và mùi vị đặc trưng của nó và hiện nay quả bơ đang dần trở thành loại quả được ưa thích ở khu vực châu Á.
Chỉ tiêu thổ nhưỡng (đất) trồng bơ
– Thoát nước tốt, tránh ngập úng tạo điều kiện cho nấm bệnh gây hại ở bộ phận rễ làm chết cây.
– Lượng mưa từ 1200 đến 1500mm/năm.
– Độ pH của đất phải từ 5 – 7.
Các nhà khoa học và kỹ thuật đã nghiên cứu và xác định thổ nhưỡng ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên được xem là phù hợp nhất để trồng bơ cho ra năng suất và chất lượng quả ổn định.
Thời gian thích hợp cho việc trồng bơ
– Điều kiện thích hợp nhất để trồng bơ là vào đầu mùa mưa tức là khoảng tháng 5 đến tháng 6 dương lịch.
– Nếu có thể cung cấp nguồn nước bà con nông dân có thể trồng bơ vào cuối mùa mưa hoặc cuối mùa khô.
Lựa chọn giống bơ để trồng
Hiện nay, bơ được chia thành hai loại giống đó là giống bơ đầu dòng trong nước và giống bơ ngoại nhập. Cụ thể có một số giống bơ đang được trồng phổ biến và đạt chất lượng cao như:
Giống bơ ngoại nhập:
+ Bơ Booth
+ Bơ Hass
+ Bơ Reed
+ Bơ Pinkerton
Giống bơ đầu dòng trong nước:
+ Giống bơ CĐD-BO-41.01
+ Giống bơ CĐD-BO-41.02
+ Giống bơ CĐD-BO-41.03
+ Giống bơ CĐD-BO-41.04
+ Giống bơ CĐD-BO-41.05
+ Giống bơ EST4
+ Giống bơ HTS1
+ Giống bơ S2V1BDT
+ Giống bơ SDH
+ Giống bơ HA
+ Giống bơ VĐ1
Tùy theo nhu cầu và khả năng của mình, bà con có thể lựa chọn một trong số những giống bơ trên để canh tác, các giống bơ trên đều là những giống bơ đã được chọn lọc theo những quy trình khác nhau và cho ra năng suất, chất lượng ổn định.
Mật độ canh tác cây bơ
Là một loại cây có tán rộng, rễ ngang phát triển mạnh và nhiều do đó mật độ canh tác bơ nên được phân bố như sau:
– Trồng thuần (chỉ trồng bơ): + 7m x 7m = 204 cây/ha trồng vuông.
+ 6m x 6m = 277 cây/ha trồng so le hoặc trồng trên đất xấu.
– Trồng xen canh với cây cà phê: 9m đến 10m/1 cây (3 hàng cà phê thì trồng một hàng bơ) = 123 cây/ha.
Chuẩn bị hố và tiến hành trồng bơ
– Kích thước hố trồng bơ: 60 x 60 x 60cm.
– Bón phân lót cho hố: dùng lớp đất mặt trộn đều với 10kg phân chuồng hoại mục hoặc 7kg phân hữu cơ vi sinh + 300 – 500g phân lân + 300 – 500g vôi + 1 hạt long não để chống mối.
– Khi tiến hành trồng bà con nông dân lưu ý xé bầu nhẹ nhàng hạn chế làm vỡ bầu hoặc đứt rễ. Nên dùng kéo hoặc dao cắt và gỡ phần nilon ở đáy bầu khoảng 3 đến 5cm tính từ đáy sau đó đặt bầu vào chính giữa hố trồng. Nén đất để cố định bầu tiếp theo cắt túi nilon từ trên xuống dưới, lấp đất và nén đồng thời rút phần túi nilon ra.
– Sau khi bầu cây bơ đã được cố định ở vị trí giữa hố thì bà con nông dân lấp đất đã trộn phân như trên vào đầy hố đồng thời dẫm nhẹ xung quanh để nén đất.
– Lưu ý: khi trồng bà con không nên trồng quá sâu mà chỉ nên trồng mà mặt bầu ngang với mặt đất là được.
Tưới nước cho cây bơ
– Năm 1: khi trồng xong nên tiến hành tưới nước cho cây bơ ngay, nếu bà con nông dân trồng vào mùa khô thì trồng sau 3 – 5 ngày phải tưới lại và kết hợp với việc phủ gốc bằng trấu, cỏ khô, rơm, lá mục… Sau đó cứ khoảng 10 đến 15 ngày thì tưới 1 lần. Bồn trồng bơ nên đánh 1m x 1m để việc tưới nước dễ dàng hơn.
– Năm 2: giai đoạn này bộ rễ của cây bơ đã ăn sâu vào lòng đất tuy nhiên bơ vẫn cần được tưới nước hỗ trợ thường xuyên nhất là trong mùa khô. Tưới nước khoảng 4 đến 5 đợt, một đợt cách nhau khoảng 15 – 20 ngày.
– Từ năm 3 trở đi: + Nếu trồng xen canh với cây cà phê thì bà con nông dân không cần phải tưới nước vì cây bơ sẽ sử dụng chung lượng nước khi bà con tưới cây cà phê.
+ Nếu trồng thuần thì bà con nên tưới nước theo đợt mỗi đợt cách nhau khoảng 20 đến 25 ngày. Lưu ý: bà con nông dân không nên tưới nước vào giai đoạn bơ đang ra hoa mà phải đợi cho đến khi đậu quả rồi thì mới tưới nước.
Bón phân cho cây bơ
– Năm 1: cần bón thúc cho bơ sau khi trồng khoảng 20 ngày với lượng phân NPK theo tỷ lệ 2:2:1, mỗi hố cần 0,1 kg tương đương với 100g phân. Khi bón cần tưới nước để phân có thể tan nhanh và thấm đều xuống đất. Tiếp tục bón lượng phân như trên nhưng khoảng cách bón giãn ra khoảng 30 ngày bón 1 lần.
– Năm 2: tiếp tục bón phân NPK nhưng tăng lượng phân lên mỗi gốc khoảng 200 đến 300g. Bón 6 lần/năm: 3 lần vào mùa khô, 3 lần vào mùa mưa; khi bón phân vào mùa khô chú ý tưới nước trước khi bón.
– Từ năm 3 trở đi: thông thường đối với bơ ghép thì từ năm thứ 3 trở đi cây đã bắt đầu cho quả vì vậy bà con nông dân nên để lại một lượng quả tùy theo sức của cây bơ (khoảng 1 – 3 quả/cành). Từ khi quả được 1 tháng cho đến khi thu hoạch (5 – 6 tháng) thì bà con nông dân tiến hành 3 đợt bón phân, mỗi đợt 2kg phân NPK.
Sau khi thu hoạch bà con bón bổ sung 1-2 kg phân Urê và tiến hành cắt tỉa cành yếu để cây sớm hồi sức.
– Lưu ý:
+ Đối với cây bơ được trồng xen canh với cây cà phê thì từ năm thứ 3 trở đi lượng phân bón cho cây bơ có thể giảm xuống 1 nửa vì lúc này bơ cũng hưởng chung lượng phân đã được bón cho cây cà phê nên không cần bón thêm nữa.
+ Không nên bón phân và tưới nước khi cây đang ra hoa mà phải chờ đến khi hoa đậu thành quả thì mới được bón.
+ Để tránh trường hợp bơ rụng quả khi bón phân bà con bên bổ sung thêm phân Kali.
Ngoài ra để đáp ứng những như cầu phân bón cao để phù hợp với những sản phẩm hữu cơ. Bà con có thể tham khảo về phân đạm cá. Giúp vườn trồng sạch bệnh đồng thời cung cấp rất nhiều trung vi lượng cho cây.
Đạm cá rất thích hợp để canh tác cây bơ. Vì thể nếu bà con quan tâm hãy gọi ngay đến số 0914.599.143 để được tư vấn về đạm cá.
Cắt tỉa cành tạo tán cho cây bơ
– Trồng thuần: bà con để cây phát triển tự nhiên, khi cây đạt độ cao 60cm đến 70cm thì bà con có thể bấm ngọn, sau đó tiến hành cắt tỉa chồng chéo, các chồi vượt… và tạo tán tỏa đồng đều.
– Trồng xen cà phê: chỉ nên để 1 cành mọc từ chồi ghép, nhằm mục đích dồn chất dinh dưỡng cho cành này và cành không bị cạnh tranh chất dinh dưỡng sẽ mọc thẳng, dễ tạo hình và tiết kiệm diện tích. Khi tán cây bơ cao hơn cây cà phê khoảng 1-2m thì bà con tiến hành hãm ngọn để cây ra cành ngang.
– Lưu ý:
+ Khi cây đã định hình và vào giai đoạn thu hoạch bà con cần thường xuyên cắt bỏ cành yếu, cành sâu bệnh.
+ Đối với những cành nhiều quả, bà con cần có biện pháp chống đỡ cho cành vì cành bơ khá giòn và dễ gãy đổ.
Phòng trừ sâu bệnh hại cho cây bơ
Bà con nông dân có thể tìm hiểu phần này qua bài viết cụ thể dưới đây: Dấu hiệu và biện pháp phòng trừ một số loại sâu bệnh hại trên cây bơ
Thu hoạch và chế biến bơ thành phẩm
– Bơ trồng bằng hạt bắt đầu cho trái sau khi trồng được 5 đến 7 năm.
– Bơ ghép cho trái sau khi trồng từ 2 đến 3 năm, những năm đầu bà con nên tỉa bớt quả trên cây chỉ để lại số lượng quả vừa với sức cây, những năm tiếp theo thì bà con không phải tỉa bỏ quả nữa.
– Sản lượng bơ đạt từ 8-20 tấn/ha/năm tùy theo mỗi giống bơ khác nhau.
– Bà con nông dân nên lưu ý thời điểm thu hoạch quả bởi điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng quả cũng như điều kiện bảo quản và vận chuyển quả sau thu hoạch. Vì vậy bà con nên dựa vào màu sắc vỏ quả khi chín của mỗi giống bơ để tiến hành thu hoạch một cách hợp lí.
+ Bơ đúng mùa: thời điểm thu hoạch từ tháng 7 – 8 dương lịch.
+ Bơ trái mùa: thời điểm thu hoạch từ tháng 9 – 10 dương lịch.
Sau khi thu hoạch, bơ có thể sử dụng để ăn tươi hoặc chế biến các hương liệu, thức ăn, mỹ phẩm khác nhau và rất có lợi cho sức khỏe.
Qua bài viết này, bà con nông dân sẽ có thêm những kinh nghiệm, thông tin hữu ích phục vụ cho nhu cầu canh tác cây trái và thu được nguồn lợi nhuận cao cho hộ gia đình.
Để được tư vấn về cách chăm sóc cây bơ các bạn cũng có thể liên hệ đến số điện thoại tư vấn của viện cây trồng: 0914.599.143