Phương pháp giâm hom, ươm dây tiêu

Hướng dẫn cách giâm hom. ươm dây tiêu để bà con có thể chủ động nhân giống tiêu tại nhà. Kỹ thuật mới nhất đảm bảo thành công cho bà con 100%

Bài viết dưới đây của chúng tôi sẽ hướng dẫn bà con nông dân kỹ thuật nhân giống cây tiêu bằng phương pháp giâm hom, ươm dây tiêu – là một phương pháp nhân giống vô tính nhằm giữ lại những phẩm chất tối ưu của các giống tiêu và nâng cao khả năng sống của cây con. Mời bà con nông dân cùng theo dõi bài viết này nhé!

Bà con có thể xem thêm những giống tiêu mà viện eakmat của chúng tôi cung cấp:

Các phương pháp nhân giống cây tiêu

– Bằng cách vùi thân tiêu: cách thức tiến hành tương tự như việc nhân giống cây rau khoai (rau lang) mà bà con thường dùng đó là khi dây tiêu đủ độ già và độ dài thì sẽ được kéo xuống đất vùi lại, phần thân được vùi đó sẽ phân nhánh và phát triển thành cây mới. Phương pháp này thường được tiến hành trực tiếp tại vườn tiêu nhưng ít khi được sử dụng bởi độ thành công không cao và cây con thường không giữ được nhiều phẩm chất nổi bật của cây mẹ.

huong dan uom tieu

– Bằng hạt: đây là một phương pháp truyền thống nhưng hiện nay lại ít khi được tiến hành đại trà bởi vì khi nhân giống bằng hạt thì thế hệ cây con đa số sẽ không giữ được hầu hết các phẩm chất của cây mẹ, kém phát triển và chậm ra quả. Vì vậy phương pháp này thường được dùng trong các viện nghiên cứu cây giống để lựa chọn và lai tạo các giống tiêu mới.

– Bằng cách cắt hom ươm bầu: đây là phương pháp thường xuyên được sử dụng phổ biến vì cách thức tiến hành đơn giản, dễ chăm sóc cây con, trước khi trồng có thể tiến hành phân loại và chọn lọc cây con tốt nhất. Có thể vận chuyển đi nhiều nơi khi cây con đủ độ tuổi mà không ảnh hưởng đến sự phát triển và sinh trưởng của cây.

– Bằng cách chiết thân: phương pháp này đòi hỏi về mặt kỹ thuật khá cao nhưng có thể tiến hành đồng loạt, cây con đạt tỷ lệ sống cao.

– Bằng cách ghép thân tiêu: đây là một phương pháp kỹ thuật cao, ít được sử dụng phổ biến và thường thì tỷ lệ cây con sống không được cao. Tuy nhiên phương pháp này lại có ưu điểm trong việc lựa chọn giống tiêu để ghép chẳng hạn như ta có thể sử dụng gốc ghép là giống tiêu có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh còn thân ghép là giống tiêu cho năng suất và chất lượng cao như vậy kết quả ta có được sau khi ghép là một giống tiêu mới vừa có khả năng phát triển tốt mà vừa cho năng suất chất lượng ổn định.

Hướng dẫn ươm tiêu

Đó là những phương pháp để nhân giống tiêu tùy vào khả năng tiến hành mà bà con nông dân có thể lựa chọn phương pháp tối ưu nhất để phát triển vườn tiêu của gia đình.

Cách thức phân biệt dây lươn – dây tiêu ác

Dây tiêu ác ( hay còn được gọi là tiêu ác, cành tược, dây thân): đây là loại hom được lấy từ phần dây thân của cây tiêu có những đặc điểm như sau: đốt ngắn hơn, thân có kích thước to và có rễ mọc ở các đốt.

– Ưu điểm: cây con có khả năng sinh trưởng mạnh, cây mau ra quả, cây con đạt tỷ lệ sống cao từ 80 – 90%.

– Nhược điểm: giống tiêu mau già cỗi và thoái hóa, năng suất và chất lượng giảm dần qua từng mùa vụ.

– Nếu dùng hom tiêu từ dây ác thì bà con chú ý những yêu cầu sau:

+ Cây tiêu cho hom phải có độ tuổi 1 năm.

+ Dây bánh tẻ, xanh tốt, có 4-6 đốt, đường kính 4mm.

+ Có rễ bám ở các đốt, ít nhất là phải có 2 đốt phía dưới có rễ bám vì sau khi ươm phần rễ này sẽ phát triển thành rễ gốc của cây tiêu con.

+ Phải có ít nhất một cành quả.

+ Phần gốc hom cắt xéo cách mắt ở gốc 2cm.

– Dây lươn (hay còn được gọi là tiêu lươn, cành lươn): đây là loại hom được lấy từ phần cành của cây tiêu có những đặc điểm như sau: đốt dài, không có rễ bám hoặc có một số ít đốt rễ, thân thường chưa bị gỗ hóa.

+ Ưu điểm : giống tiêu cho năng suất cao, ổn định và lâu già cỗi thoái hóa.

+ Nhược điểm: cây con đạt tỷ lệ sống thấp khoảng từ 60-70%, lâu cho quả sau khi trồng từ 3-4 năm cây mới cho quả.

– Nếu dùng hom tiêu từ dây lươn thì bà con chú ý những yêu cầu sau:

+ Cây tiêu cho hom phải có độ tuổi 4 năm trở lên.

+ Có ít nhất 3-4 đốt, không phải loại dây bánh tẻ (dây có độ tuổi vừa, không quá già cũng không quá non).

+ Dây hom xanh tốt, không bị bệnh tật.

+ Phải cắt bỏ lá trước khi ươm hom.
ky thuat uom tieu

Thời điểm cắt hom tiêu và cách cắt hom

– Thời điểm: tháng 10 – 12 âm lịch.

– Điều kiện thời tiết: khô ráo, không ẩm ướt.

– Cách thức cắt hom tiêu: + Hom thân cắt cách gốc khoảng 30cm.

+ Tránh làm tổn thương dây tiêu như gãy đốt, đứt rễ, dây bị xoắn… vì vậy khi gỡ dây ra khỏi trụ bà con nên tiến hành nhẹ nhàng.

+ Để tốt nhất, sau khi cắt bà con tiến hành ươm ngay.

+ Nếu phải vận chuyển thì bà con nên bó hom lại bằng vải dầy hoặc nệm để tránh làm gãy, dập hom, thường xuyên tưới nước để giữ độ tươi của hom tiêu.

Tiến hành ươm – trồng hom tiêu

Hom tiêu có thể ươm trồng bằng nhiều cách mỗi cách thứcđều có những ưu, nhược điểm riêng, tùy theo khả năng và nhu cầu bà con nông dân có thể chọn một trong ba cách phổ biến sau để áp dụng:

  1. Ươm trên luống:

+ Đắp đất thành luống, trộn lượng phân lót vừa đủ, bổ sung thêm xơ dừa đã hoại mục hoặc trấu để tạo độ tươi xốp cho đất.

+ Cắm hom tiêu cách nhau khoảng 5 – 7cm, hàng cách hàng khoảng 10cm, có góc nghiêng 45 độ lưu ý tưới nước vừa đủ.

+ Sau 25 đến 30 ngày, hom ra rễ thì bà con nhẹ nhàng nhổ hom tiêu ra trồng những vẫn phải chú ý che chắn và tưới nước đầy đủ.

+ Không nên giữ hom trên luống quá lâu bởi vì khi nhổ đem trồng sẽ dễ bị đứt rễ.

+ Trong quá trình nhổ bà con nên lựa chọn những hom có bộ rễ khỏe mạnh, cây xanh tốt.

=> Phương pháp đòi hỏi kỹ thuật cao nên bà con không thành thạo thì không nên tiến hành vì sẽ làm mất thời gian và tốn nhiều công sức chăm sóc.

  1. Trồng thẳng ra vườn:

+ Sau khi tiến hành cắt hom, bà con nông dân có thể trồng thẳng ra vườn.

+ Nhược điểm: tỷ lệ cây con sống giảm, đồng thời phải che chắn cẩn thận, cũng như thường xuyên cung cấp lượng nước vừa đủ ấm, không ứ đọng nên đòi hỏi sự tỉ mỉ và kỳ công hơn các phương pháp khác.

=> Vì vậy phương pháp này ít khi được sử dụng.

  1. Ươm trong bầu ươm:

– Chuẩn bị bầu ươm:

+ Sử dụng lớp đất mặt không bị nhiễm nấm bệnh, tuyến trùng, đất nên được trộn kỹ với phân chuồng đã hoại mục với tỷ lệ 2 đất 1 phân và bổ sung thêm phân lân, tro và vôi để đất có đủ độ tơi xốp để kích thích rễ phát triển và bầu ươm phải có lỗ thoát nước.

+ Đối với dây lươn: kích thước bầu ươm là 12 x 22cm, khi ươm cắm 2 đốt vào đất, 1 – 2 đốt trên mặt đất. Tỷ lệ: một bầu dùng 2 hom.

+ Đối với dây ác: kích thước bầu ươm là 15-17 x 27-30cm, khi ươm cắm 3 đốt vào đất, 2 đốt trên mặt đất. Tỷ lệ: một bầu dùng 3 hom.

+ Khu vực xếp bầu ươm hạn chế đọng nước vì sẽ làm cây bị úng và nhiễm nấm, lưu ý che chắn bằng lưới phía trên và xung quanh để tránh ánh sáng và  gió mạnh trực tiếp.

+ Sau khi bầu ươm được từ 4 đến 6 tháng thì cây sẽ ra chồi và phát triển được khoảng 5-6 lá mới thì bà con có thể đem ra trồng.

+ Trước khi mang cây tiêu giống ra trồng trực tiếp ngoài vườn thì bà con nông dân cần để cây tiêu thích nghi làm quen dần với ánh sáng và điều kiện tự nhiên của vườn tiêu bằng cách gỡ dần mái che và lưới bao để có độ chiếu sáng là 70-80% trong vòng 15-20 ngày trước khi trồng.

=> Đây là một phương pháp nên tiến hành bởi tỷ lệ cây con sống khá cao, hạn chế được cây bị sâu bệnh trước khi mang ra trồng tại vườn.

Bài viết chỉ giới thiệu những kỹ thuật phương pháp giâm hom cơ bản bà con nông dân khi tiến hành có thể xử lí sáng tạo và phù hợp hơn với điều kiện thực tế. Trước khi mang ra trồng bà con cần lựa chọn và phân loại để hạn chế những cây tiêu con bị nhiễm sâu bệnh, nấm hại và lưu ý loại bỏ bầu ươm tránh sử dụng lại bầu ươm cây đã bị nhiễm bệnh. Lưu ý lượng nước tưới và thường xuyên thăm khu vực ươm để kịp thời xử lí những trường hợp như ngập úng, sâu bệnh hại.

Chúc bà con mau sớm thành công với các phương pháp giâm hom tiêu giống này nhé!!!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *