Phòng trừ sâu bệnh hại trên cây sầu riêng

Ngoài việc lựa chọn giống sầu riêng chất lượng thì bà con nông dân trong quá trình chăm sóc cũng nên lưu ý phòng trừ sâu bệnh hại để cây sầu riêng đạt năng suất cao và ổn định đồng thời đảm bảo nguồn lợi nhuận thu nhập cho gia đình hàng năm.

trang trai sau rieng

Vì vậy bài viết dưới đây của Viện Cây trồng chúng tôi sẽ cung cấp đến cho bà con nông dân biện pháp phòng trừ một số loại bệnh hại và sâu bệnh thường gặp ở cây sầu riêng.

Bệnh hại trên cây sầu riêng

Xem thêm về giống sầu riêng:

Bệnh thối vỏ chảy mủ

– Nguyên nhân: Bệnh do nấm Phytophthora Palmivora gây ra.

– Triệu chứng:

+ Bệnh thường tấn công ở khu vực vỏ thân gây làm thối vỏ và chảy mủ.

Ban đầu bệnh sẽ phát sinh thành vết loét sau một thời gian các vết loét sẽ lan rộng và liên kết lại với nhau đồng thời từ các vết loét sẽ xuất hiện mủ.

Khi bóc vỏ thân cây bệnh ra bà con sẽ thấy những mạch dẫn bị hóa nâu, thâm đen điều này làm tắc nghẽn đường dẫn chất dinh dưỡng cũng như nước cho cây làm cây suy yếu dần.

+ Khi tấn công ở khu vực lá gây ra triệu chứng cháy lá.

+ Gây hại ở quả sẽ làm quả bị thối, dấu hiệu ban đầu của nấm khi gây hại trên quả đó là một đốm bệnh nhỏ màu đen sũng nước sau đó đốm bệnh sẽ lõm vào trong và trên bề mặt đốm bệnh có những màng bào tử nấm như màng nhện đang chờ đợi điều kiện thuận lợi để lây lan bùng phát.

+ Khi nấm bệnh tấn công bộ rễ sẽ làm rễ bị thối.

+ Bệnh phát sinh ở ngọn non sẽ xuất hiện hiện tượng chết ngọn.

Những dấu hiệu ban đầu của bệnh khá mờ nhạt nên bà con dễ nhầm lẫn với các dấu hiệu của chứng thiếu dinh dưỡng hoặc một số vết chích do côn trùng để lại vì vậy khi phát hiện thì bệnh đã trở nặng, khó chữa trị dứt điểm và khá là tốn kém vì vậy bà con nên lưu tâm thăm vườn và quan sát thường xuyên đặc biệt là trong giai đoạn ra hoa kết trái.

Bà con cũng nên phòng trừ ngay từ đầu để giảm thiểu khả năng phát sinh bệnh hại bằng những biện pháp như sau:

– Biện pháp phòng trừ:

+ Sử dụng cây giống khỏe mạnh, sạch bệnh.

+ Bón phân, chế độ dinh dưỡng hợp lí để cây khỏe mạnh có sức chống chọi đối với bệnh hại; có biện pháp chăm sóc cây tùy theo điều kiện thời tiết như phủ đất trong mùa khô…

+ Vườn trồng phải thông thoáng thường xuyên được rong tỉa cành đặc biệt là những cành sát mặt đất, điều kiện thoát nước tốt.

+ Hạn chế tạo các vết thương hở cho cây trong quá trình chăm sóc, các vết cắt phải được bôi thuốc trừ nấm, phòng trừ côn trùng chích hút nhựa cây.

+ Diệt mối và kiến làm tổ trên cây.

+ Thường xuyên bổ sung thêm phân bón hữu cơ, phân chuồng hoại mục.

+ Cần có biện pháp xử lí và tiêu hủy những bộ phận bị bệnh của cây ngay tránh để bệnh có cơ hội lây lan trên diện rộng.

+ Khi phát hiện bệnh nếu vết bệnh mới phát sinh thì bà con nông dân có thể cạo bỏ phần mô bị hoại tử và bôi thuốc Aliette 80 Wp, Ridomil, Metalaxyl pha 1%.

+ Tiến hành phun tán với các loại thuốc gốc đồng; dùng chế phẩm sinh học như bón phân hữu cơ bổ sung vi sinh vật có ích như nấm Trichoderma.

+ Tiêm cây với thuốc Phosphonate là một phương pháp kỹ thuật mới được phát triển khá hiệu quả và giảm được chi phí điều trị khoảng 40% so với biện pháp phun thuốc.

sau rieng bi nam

Bệnh thán thư trên cây sầu riêng

– Nguyên nhân: Bệnh do nấm Colletotrichun Gloeosporioides gây ra.

– Triệu chứng:

+ Bệnh thường gây hại ở lá đặc biệt là những lá đã trưởng thành. Dấu hiệu ban đầu của bệnh ở lá đó là những đốm bệnh phát sinh ở mép lá, chót lá và lan rộng vào bên trong; vết bệnh có thể phát sinh ở những vết thương hở trên lá.

+ Sau một thời gian vết bệnh sẽ lan rộng thành những sọc song song có màu nâu đậm trên nền mô chết có màu nâu xám.

+ Bệnh nặng làm lá bị khô héo và rụng dần, cành thiếu lá trở nên trơ trọi, cây suy yếu dần do thiếu dinh dưỡng nhất là thiếu Kali.

– Biện pháp phòng trừ:

+ Cung cấp đầy đủ nước và chất dinh dưỡng cho cây, lưu ý bổ sung thường xuyên phân hữu cơ hoại mục.

+ Giữ ẩm cho vườn cây sầu riêng vào mùa khô bằng cách phủ gốc bằng rơm rạ, cỏ khô…

+ Thường xuyên vệ sinh vườn cây, dọn những cành quả rụng còn sót lại của mùa trước.

+ Tiến hành tỉa bỏ lá bệnh và tiêu hủy.

+ Phun thuốc phòng trừ một số loại côn trùng gây hại cho lá như châu chấu, bọ cánh cứng hoặc các côn trùng chích hút nhựa vì chúng có thể tạo ra những vết thương hở tạo điều kiện cho nấm bệnh phát sinh.

+ Phun thuốc phòng trừ và bảo vệ cây như các loại thuốc gốc đồng hoặc một số loại thuốc hóa học như Benomyl, Appencarb, Carbendazim, Mancozeb, Antracol…theo liều lượng trên bao bì sản phẩm của nhà sản xuất. Bà con nên thường xuyên thay đổi các loại thuốc sử dụng để tránh hiện tượng nấm bệnh kháng thuốc.

bi benh

Bệnh cháy lá trên cây sầu riêng

– Nguyên nhân: Bệnh do nấm Rhizoctonia Solani gây ra.

– Triệu chứng:

+ Bệnh thường gây hại cho cây sầu riêng con hoặc cây mới trồng những năm đầu, bệnh cũng phát sinh ở cây trưởng thành những nơi có tán lá rậm rạp hoặc cành mọc sát mặt đất ẩm thấp.

+ Các đốm bệnh thường có màu nâu hoặc xanh xám.

+ Lá non mắc bệnh giống như luộc trong nước sôi, lá có màu xanh nhợt nhạt, các lá kết dính với nhau bởi các sợi nấm mọc lan, khi lá khô chúng dính với nhau nhưng không rụng.

+ Bệnh tấn công lên các thân non làm khô chết phần ngọn phía trên của cây và chuyển màu trắng xám.

+ Bệnh lây lan theo dòng chảy của nước, nấm bệnh phát triển trong điều kiện độ ẩm cao, nhiệt độ thấp, mầm bệnh có thể ẩn nấp trong rơm rạ, cỏ khô… vì vậy khi sử dụng rơm rạ hoặc cỏ khô để phủ gốc bà con nên chú ý khử sạch để tránh nấm bệnh phát sinh.

– Biện pháp phòng trừ:

+ Trồng cây với mật độ vừa phải đặc biệt là khi trồng cây con trong vườn ươm để tạo độ thông thoáng, cần tạo rãnh thoát nước cho vườn.

– Ngăn ngừa các nguồn bệnh có thể lây lan từ bên ngoài vào trong vườn như rơm rạ, nguồn nước chảy, cỏ khô…

– Phun thuốc hóa học kết hợp với các thuốc trừ nấm như Bonanza, Moncerene, Anvil…

Sâu hại trên cây sầu riêng

sau hai qua sau rieng

Sâu đục trái trên cây sầu riêng

– Đặc điểm:

+ Bướm của loại sâu này có kích thước khá nhỏ, thân khoảng 12mm có màu vàng, trên cánh có những chấm đen.

+ Sâu đục trái non đầu có màu nâu, thân có màu trắng hơi ửng hồng.

– Tập tính:

+ Ban ngày bướm thường ẩn nấp dưới những tán lá đợi đến đêm hoạt động. Bướm thường đẻ trứng trên quả non, mỗi con bướm cái có thể đẻ được 20 đến 30 trứng non.

+ Khi sâu non nở từ trứng sẽ tấn công và đục vào trong vỏ quả và tiếp tục ăn sâu vào phần thịt quả làm ảnh hưởng đến chất lượng của thịt quả. Sâu sẽ hóa nhộng ở quả mà chúng đục đồng thời nhả tơ và kết lá để tạo kén ở giữ các gai của quả.

+ Sâu sẽ làm những quả non bị biến dạng và dễ rụng, sâu tấn công thịt quả làm cơm quả mất phẩm chất.

+ Sâu đục trái dễ xuất hiện ở những cây sầu riêng có quả mọc thành từng chùm và gây hại hàng loạt.

Sâu ăn bông trên cây sầu riêng

– Đặc điểm:

+ Loại sâu ăn bông này là tiền thân của một loại bướm nhỏ có màu vàng nhạt, chiều dài sải cánh khoảng từ 28 đến 30mm.

+ Ấu trùng (sâu) khi còn non có màu nâu nhạt, ở giữa thân có sọc màu đỏ, còn hai bên có sọc màu vàng. Đầu sâu có màu đỏ, thân dài khoảng 10mm.

– Tập tính:

+ Sâu hại thường xuất hiện vào giai đoạn cây sầu riêng đang ra hoa.

+ Bướm mẹ sẽ đẻ trứng lên chùm hoa sầu riêng, khi trứng nở các sâu non sẽ ăn phần cuống bông, khoét ăn cánh bông rồi ăn hết toàn bộ bộ phận còn lại của hoa làm hoa bị gãy rụng và không nở được.

– Dấu hiệu nhận biết:

+ Phần cuống hoa và vị trí sâu đục có những đám phân đen đùn ra ngoài.

+ Ấu trùng giai đoạn 3 và 4 tấn công mạnh nhất sẽ bò từ hoa lên cành hoặc thân cây đồng thời tạo kén bông kết dính lại.

Biện pháp phòng trừ

– Loại bỏ sâu tự nhiên bằng cách sử dụng các loại thiên địch của sâu ăn bông và sâu đục trái như chim sâu, bọ ngựa, kiến sư tử hoặc nhện.

– Thường xuyên quan sát thăm vườn để phát hiện kịp thời sự xuất hiện của các loại sâu.

– Tiến hành rong tỉa cành tạo tán cho cây thường xuyên để tạo độ thông thoáng cho vườn.

– Khi cây kết trái chú ý tỉa bớt quả trên cành hạn chế sự phát sinh của sâu đục trái, nên bọc quả sau khi quả được thụ phấn một tháng để ngăn cách giữa các quả không tạo điều kiện cho sâu đục trái phát sinh giữa các quả gần nhau.

– Sử dụng bẫy hoocmon để bẫy bướm đực tiêu diệt ngăn ngừa sự sinh sôi nảy nở của sâu non.

– Sử dụng thuốc hóa học như Abatin 5,4 EC, Regent 5SC, Sagalex 30EC, Brightin 1.8EC để phun nếu như cây bị nhiễm bệnh nặng. Bà con nên phun phòng trừ vào giai đoạn đầu để đảm bảo không gây ảnh hưởng quá cao đến quả và chú ý phun cách ly thời gian hợp lí trước khi thu hoạch không để dư lượng thuốc hóa học cao trên quả ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

hinh anh qua sau rieng

Qua bài viết này mong rằng bà con sẽ tích lũy thêm những kinh nghiệm hữu ích khi trồng và chăm sóc cây sầu riêng đạt chất lượng và năng suất tốt nhất. Chúc bà con nông dân có một mùa vụ thành công!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *